ĐÂY LÀ GẠC MA, ĐÂY LÀ TỔ QUỐC, MỘT TẤC KHÔNG ĐI MỘT LY KHÔNG RỜI
Mỗi năm, cứ đến ngày 14/03, cụ Hoàng Nhỏ lại dựng một mâm lễ vật, hương khói nghi ngút với 64 cặp bát đũa tại bờ biển gần nhà, hướng về phía Trường Sa.
Cụ là thân sinh của anh Hoàng Văn Túy, một người lính hải quân đã tạo dựng thành vòng tròn bất tử tại Gạc Ma. Hơn 30 năm đã trôi qua, dù biết rằng thi thể của anh đã hòa vào biển cả Tổ Quốc, nhưng trong thâm tâm, cụ vẫn mong anh và đồng đội trở về. Chưa tìm thấy thi thể thì vẫn còn hy vọng mà, phải không? Dù hy vọng này rất nhỏ.
Anh Hoàng Văn Túy được dựng một ngôi mộ gió. Có lẽ ít người trong chúng ta được biết về những ngôi mộ gió, hay còn gọi là mộ chiêu hồn, đó là những ngôi mộ không chôn cất những thi thể, không có hài cốt, thường được gia đình, đơn vị, nhân dân lập ra dành cho những anh hùng, nghĩa sĩ hy sinh vì Tổ Quốc, có công lao với quê hương mà không tìm được thi thể để an táng vì nhiều lý do. Những ngôi mộ gió này thường xuất hiện tại các vùng biển đảo của chúng ta, tiêu biểu như là ở Lý Sơn, Trường Sa, Đà Nẵng…
Bác Lê Văn Xuân cũng có con trai là Lê Văn Xanh, tối 14/03/1988, anh Xanh báo mộng cho cha rằng: “Con đang cắm cờ Tổ quốc lên đảo Gạc Ma thì bị lính Trung Quốc bắn, hy sinh rồi bố ạ”. Ngày hôm sau, loa phóng thanh đọc tên các anh hùng ra đi tại Gạc Ma, đọc mãi không thấy tên con, bác Xuân hy vọng anh còn sống, nhưng đến số thứ tự 72, chị phát thanh gọi tên: “Lê Văn Xanh”. Bác Xuân cũng làm một ngôi mộ gió cho anh. Mỗi năm, mẹ Lê Thị Muội đều đội chiếc mũ hải quân và thắp hương cho anh Phan Văn Sự. Cụ vừa khóc, vừa tự hào: “Thằng Sự của mẹ hy sinh bảo vệ Trường Sa”. Đợi mãi anh Sự không trở về, mẹ cũng đã mất trong niềm nhớ thương. Giống mẹ Muội thì cụ Hoàng Sĩ, bố liệt sĩ Hoàng Ánh Đông cũng mất, trước khi đi, thi thoảng cụ vẫn nhìn về hướng biển đợi anh về.
Đau thương gì hơn người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh? Những người mẹ cha già đợi con mãi không trở về nhà? Cũng chẳng thể làm lễ an táng hài cốt được.... Với người làm cha mẹ, thực sự đây là một sự nuối tiếc cả một đời người.
Chị Mai Thi Hoa là vợ anh Trần Văn Phương - người đã nắm lá cờ Tổ Quốc ở Gạc Ma, anh Phương hy sinh khi chị Hoa mang thai đứa con đầu lòng được một tháng. Hồi anh mới hy sinh, tưởng như cái thai không giữ được, chị Hoa cắn răng chịu đựng, hạn chế khóc, cố gắng giữ bản thân thật khỏe vì đó là “sợi dây” kết nối duy nhất còn lại của anh Phương và chị Hoa.
“Chúng mày rất vất vả, tao biết! Nhưng đây là Tổ Quốc, là đất đai hương hỏa ông cha, dù chỉ có đá sỏi, gió cát thì ta cũng phải canh giữ. Một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đánh đổi bằng xương máu” - Đô đốc Giáp Văn Cương.
64 người lính Trường Sa có thể được coi là những người lính cuối cùng hy sinh trong trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ của Tổ Quốc ở thế kỷ trước. Nếu ai nói rằng năm 1975 đã im tiếng súng thì chắc chắn họ đã lầm. Những tiếc súng ở biên giới Tây Nam, ở Trường Sa vẫn vang lên…
64 người đã nằm xuống, những giọt máu đỏ của lẫn vào trong màu xanh của biển cả Việt Nam, hài cốt của họ tan vào trong những rặng san hô tại Trường Sa, khí chất của họ vẫn luôn còn sống mãi…
ĐÂY LÀ GẠC MA, ĐÂY LÀ TỔ QUỐC, MỘT TẤC KHÔNG ĐI MỘT LY KHÔNG RỜI
Reviewed by benpha
on
20:17
Rating:
Không có nhận xét nào: