BÀI HỌC ĐẮT GIÁ TỪ SỰ YẾU KÉM TRONG QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI: TỪ GÓC NHÌN VỤ VIỆC Ở ĐỒNG TÂM
Nhìn lại toàn bộ quá trình diễn biến sự việc ở Đồng Tâm từ năm 2017 đến nay cho thấy, chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng đã xử lý kiên trì, có lý, có tình nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật.
Cùng với đó, các hộ gia đình có quyền lợi tại khu vực sân bay Miếu Môn đã được chính quyền địa phương xem xét, phân loại và được hỗ trợ thỏa đáng.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cũng đã tổ chức 2 buổi để thông tin, đối thoại với người dân, làm rõ kết luận thanh tra vào tháng 8/2019 và tháng 11/2019.
Chính quyền, cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật cũng đã thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thông qua việc trao đổi, gặp gỡ, đối thoại, thanh tra, kiểm tra, xác minh, giải quyết kiến nghị.
Đồng thời, chính quyền cũng đã kiên quyết, ai sai đến đâu xử lý đến đó để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ tài sản Nhà nước, bảo vệ đất quốc phòng, bảo vệ chủ trương triển khai các dự án quốc phòng và lợi ích quốc gia, giữ gìn kỷ cương phép nước.
Liên quan việc buông lỏng quản lý đất đai tại khu sân bay Miếu Môn, gần 30 cán bộ có hành vi vi phạm đã bị xử lý nghiêm khắc. Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, nguyên Xã đội trưởng, nguyên Trưởng ban Tài chính xã đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội phạt tù từ 24 đến 36 tháng tù; nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức cũng nhận mức án từ 24-36 tháng tù treo. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, coi thường pháp luật.
Mặc dù đã xét xử công khai, quy trách nhiệm đúng người, đúng tội. Tuy nhiên lỗ hổng của các cán bộ địa chính, UBND xã Đồng Tâm về quản lý đất đai để lại là khó có thể lấp đầy. Điều này khiến các đối tượng triệt để lợi dụng để chống phá, kích động. Đặc biệt là Lê Đình Kình - nguyên bí thư Đảng ủy xã, đối tượng cầm đầu nhóm đồng thuận. Chúng hòng lợi dụng vấn đề đó để chiếm đoạt khu vực đất xảy ra tranh chấp.
Trong suốt mấy năm thành lập, tổ đồng thuận cầm đầu là Lê Đình Kình, Lê Đình Công đã lợi dụng để gây rối, đỉnh điểm là sự kiện 2017 khi chúng bắt giữ các cán bộ chiến sĩ cơ động. Sau đó chúng chuyển công khai chống đối qua mạng xã hội để lôi kéo người ủng hộ. Như vậy chúng chuyển hình thức hoạt động từ tụ tập nhóm theo dòng họ sang lấy sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trái chiều, bất mãn, chống đối chính quyền trên cả nước. Trong đó có cả một số đại biểu quốc hội dân túy.
Trước thời điểm xảy ra sự kiện giết người và chống người thi hành công vụ, vụ việc của Kình và tổ đồng thuận không dừng lại ở mức làng xã mà đã là tâm điểm quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Chính vì vậy, chúng càng lấy cớ lấn tới, tuyên bố hùng hồn, coi thường chính quyền, nhà nước. Và đặc biệt có sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất của những đối tượng có lịch sử truyền thống chống đối.
Những hành vi hung hãn, mất nhân tính của Lê Đình Kình và đồng phạm thời gian qua đã tự vạch trần bộ mặt thật của chúng - những kẻ mạo danh “nhân dân” để phản dân, hại nước. Qua chuỗi sự kiện ở Đồng Tâm, công luận có thể nhận thấy điều mà những kẻ này thực sự mưu toan là hỗn loạn trong gia đình, sự bất ổn trong xã hội, sự đối lập giữa người dân và chính quyền. Biện pháp mà chúng sử dụng từ ngăn chặn đối thoại tới kích động bạo lực và sử dụng bạo lực để gây tội ác.
Trong một xã hội dân chủ, văn minh và thượng tôn pháp luật, không một công dân nào được cho mình quyền vi phạm đến tự do của người khác, lại càng không được phép tấn công, sát hại những người thực thi công việc bảo vệ luật pháp, mang lại sự bình yên cho xã hội.
Bản án dành cho các đối tượng này sẽ là lời cảnh tỉnh cho các đối tượng đã, đang và sẽ lợi dụng vấn đề đất đai để chống đối chính quyền, gây rối trong xã hội nhằm đạt mục tiêu lợi ích cá nhân./.

Không có nhận xét nào: